Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là gì?

Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là gì?

Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là gì?
 

Trong nhiều trường hợp, nhãn hiệu xác định một nhóm doanh nghiệp là nguồn gốc của hàng hóa sản xuất ra hoặc dịch vụ cung cấp. Người ta có thể chia các nhãn hiệu do một tập thể các doanh nghiệp làm chủ Văn bằng hoặc cùng sử dụng một nhãn hiệu chung ra làm hai dạng: nhãn hiệu tập thể (NHTT) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN). Theo pháp luật của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam, mục đích sử dụng của hai loại nhãn hiệu này có sự khác nhau. NHTT biểu thị sự liên minh của một số doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu. Trong khi đó NHCN dẫn chiếu đến những tiêu chuẩn nhất định mà các sản phẩm sử dụng nhãn phải đáp ứng.

Dưới đây là những đặc điểm giống và khác nhau trong những quy định của pháp luật của ba quốc gia về vấn đề này

Nhãn hiệu tập thể là gì?

Theo định nghĩa của Luật Nhãn hiệu của Hoa Kỳ năm 1946, thuật ngữ “NHTT” có nghĩa là NHHH hoặc NHDV được sử dụng bởi các thành viên của một hiệp hội, các nhóm hay tổ chức tập thể khác, hoặc được hiệp hội, nhóm tập thể khác này có ý định chân thành trong việc sử dụng nó với mục đích thương mại và xin đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và bao gồm các nhãn chỉ ra mối quan hệ thành viên trong liên minh, trong hiệp hội hay trong tổ chức tập thể.

Như vậy, pháp luật Hoa Kỳ phân biệt có hai loại NHTT: Thứ nhất, NHTT dưới dạng NHHH hay NHDV được đăng ký và sử dụng bởi một tổ chức tập thể và thành viên của tổ chức tập thể. Chức năng của NHTT này là phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm mang nhãn của bản thân tổ chức tập thể. Lúc này tổ chức tập thể có tư cách không khác gì một tổ chức đơn lẻ đứng ra đăng ký nhãn hiệu. Và bản thân NHTT lúc này cũng không khác gì một NHHH hay NHDV thông thường; Thứ hai, NHTT được gọi là nhãn hiệu tư cách thành viên tập thể. Những nhãn hiệu thuộc loại này là những NHTT chân chính. Chúng được sử dụng bởi thành viên của một tổ chức tập thể với mục đích chỉ ra tư cách thành viên trong tổ chức đó. Bản thân tổ chức tập thể có thể đứng ra đại diện đăng ký nhãn hiệu loại này và thực thi các quyền của chủ sở hữu. Tuy nhiên, người trực tiếp có quyền gắn nhãn hiệu đó lên sản phẩm là các thành viên của tổ chức tập thể. Vì vậy, giữa các thành viên thường phải có quy chế về việc sử dụng NHTT này

Pháp luật nhãn hiệu của Nhật Bản chỉ công nhận một loại NHTT được sử dụng chung bởi các thành viên của một tổ chức tập thể. Các nhãn hiệu nếu không được sử dụng bởi cả tổ chức tập thể và các thành viên hay chỉ được sử dụng bởi bản thân tổ chức tập thể thì sẽ không có khả năng đăng ký như một NHTT. Tuy nhiên, khi đăng ký NHTT, tổ chức kinh tế tập thể chỉ cần điền vào một mẫu đơn đăng ký được làm sẵn và nộp các tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của mình. Các cơ quan phụ trách việc đăng ký có thể sẽ yêu cầu nộp quy chế sử dụng nhãn hiệu khi cần thiết

Đối với pháp luật Việt Nam, NHTT vẫn là một khái niệm tương đối mới. Luật SHTT 2005 (sửa đổi năm 2009) chỉ bao hàm một số quy định rất sơ sài về NHTT. Theo đó, nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó

 Đối với NHTT, quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ thuộc về tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp, các thành viên của tổ chức đó được sử dụng nhãn hiệu theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể

Khi đăng ký NHTT, người nộp đơn cũng phải nộp một bản quy chế sử dụng NHTT đó cho Cục SHTt

 Căn cứ vào các quy định ngắn gọn này, có thể nhận định NHTT của Việt Nam cũng có một số đặc điểm đáng chú ý sau: thứ nhất, giống pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam cũng công nhận khả năng sử dụng NHTT bởi nhiều cá nhân hay pháp nhân trong một tập thể; thứ hai, quyền sở hữu NHTT có thể được trao cho một cá nhân hoặc pháp nhân đại diện cho tập thể. Đây là một điểm khác biệt đáng kể so với pháp luật tương ứng của Hoa Kỳ; thứ ba, pháp luật Việt Nam yêu cầu người nộp đơn xin đăng ký NHTT phải nộp một bản dự thảo quy chế sử dụng nhãn để điều chỉnh quá trình sử dụng nhãn của các thành viên của tập thể

Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là gì?

NHCN là một loại nhãn hiệu mới xuất hiện gần đây trong thực tiễn thương mại thế giới. Có lẽ Hoa Kỳ là quốc gia quen thuộc nhất với loại hình nhãn hiệu này. Luật Nhãn hiệu năm 1946 của Hoa Kỳ qua nhiều lần sửa đổi, cùng với tài liệu hướng dẫn chính thức đăng ký nhãn hiệu của Cục Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ đề cập khá chi tiết về NHCN và những đặc điểm của nó. Kể từ năm 2005, khi Luật SHTT được ban hành, pháp luật của Việt Nam mới quy định về nhãn hiệu chứng nhận.

Trong Luật Nhãn hiệu của Hoa Kỳ năm 1946, NHCN và NHTT được xếp vào cùng một điều khoản để điều chỉnh - Điều 4. Tuy nhiên, NHCN lại có nhiều điểm hết sức khác biệt với NHTT. Theo hướng dẫn của Cục Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ, NHCN được hiểu là bất kỳ từ, tên gọi, hình ảnh hay sự kết hợp chúng được sử dụng bởi một người không phải là chủ của nó; hay người chủ của nó có ý định chân thành là cho phép người khác sử dụng nó trong thương mại để chứng nhận xuất xứ địa lý hay xuất xứ khác, nguyên vật liệu sử dụng, cách thức sản xuất, chất lượng, độ chính xác hay các đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ của những người sử dụng nó.

Hiểu một cách chung nhất, NHCN là loại nhãn hiệu được sử dụng hoặc dự định được sử dụng nhằm mục đích phân biệt các hàng hóa hoặc dịch vụ đã được chứng nhận với các hàng hóa cùng loại khác về nguồn gốc, nguyên liệu, phương pháp sản xuất hoặc chất lượng, độ chính xác hoặc các đặc điểm khác.

Xét về bản chất, NHCN rất khác các loại nhãn hiệu khác. Mặc dù NHCN cũng được sử dụng hay dự định được sử dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ và có thể vì thế mà giống với NHHH hay NHDV, song chúng vẫn khác với NHHH và NHDV ở chỗ chúng không phân biệt nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn. Nếu có thì rất ít và không phải là chức năng chính của nó. Có thể khẳng định điều này qua diện sử dụng NHCN là rất rộng, bao gồm nhiều doanh nghiệp trong cùng một hiệp hội, thậm chí không cùng một hiệp hội nhưng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sử dụng nhãn do chủ sở hữu nhãn đặt ra và được chủ nhãn đồng ý. Ví dụ điển hình của trường hợp này là các nhãn hiệu thuộc dòng ISO - International Standard Organization (ISO 9001, ISO 9002, ISO 14000).

Hơn nữa các NHCN không những không được sử dụng bởi người chủ nhãn hiệu mà còn không được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ của người chủ nhãn hiệu. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để cơ quan đăng ký nhãn hiệu của Hoa Kỳ phân biệt giữa NHTT và NHCN. Người chủ NHCN chỉ đơn thuần là người đứng ra đăng ký nhãn hiệu này và chỉ rõ nó nhằm xác nhận một tiêu chuẩn nhất định, thường là tiêu chuẩn về chất lượng, nếu không là đặc điểm về quy trình sản xuất hay sử dụng nhân công lao động. Trách nhiệm của họ là phải đảm bảo tất cả các doanh nghiệp hay cá nhân có mang nhãn phải tuân thủ đúng điều kiện được mang nhãn đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Do đặc điểm này mà chủ NHCN thường là các hiệp hội doanh nghiệp, các liên minh doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước hay chính bản thân Nhà nước.

Một điểm khác biệt nữa giữa NHCN và NHTT là NHCN chỉ được sử dụng theo những tiêu chuẩn đã được xác định rõ ràng, còn đối với NHTT, yêu cầu này không được đặt ra. Chỉ có một số doanh nghiệp cụ thể được sử dụng NHTT. Ví dụ, thành viên của tổ chức sở hữu NHTT, trong khi đó NHCN có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai miễn là tuân thủ được những tiêu chuẩn đã được xác định của nhãn hiệu đó và được người chủ chấp nhận. Vì thế có thể nói, những người sử dụng NHTT thành lập một “câu lạc bộ” trong khi đó những người sử dụng NHCN thì sẽ thành lập một “cửa hàng tự do” ai có đủ điều kiện thì vào.

Những điểm đặc thù nêu trên của NHCN đều được quy định trong pháp luật hiện hành của Hoa Kỳ và Việt Nam. Chính vì những đặc điểm đặc thù của NHCN trên mà một trong những yêu cầu quan trọng trong việc đăng ký NHCN là pháp nhân xin đăng ký phải “có khả năng bảo đảm giá trị” của hàng hóa liên quan. Người sở hữu NHCN phải là người đại diện cho các hàng hóa đăng ký NHCN. Đây là một sự bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ lợi ích công chúng khỏi những hành vi không trung thực.

Khác với Hoa Kỳ và Việt Nam, pháp luật Nhật Bản không quy định NHCN như một loại nhãn hiệu riêng lẻ. Ở Nhật Bản, các NHCN được điều chỉnh giống như nhãn hiệu thông thường về khía cạnh xin bảo hộ, điều kiện và thủ tục đăng ký. Vì được điều chỉnh như một nhãn hiệu thông thường, NHCN ở Nhật Bản phải được đăng ký bảo hộ bởi chính một trong những doanh nghiệp có sử dụng NHCN đó.

  • TAG :