Người Việt ăn cắp bản quyền khiến nhiều dân mạng xấu hổ

Người Việt ăn cắp bản quyền khiến nhiều dân mạng xấu hổ


Ở nước ngoài nếu ăn cắp phần mềm sẽ bị xử tội rất nặng, tới mức nếu trong bài thuyết trình của sinh viên mà dùng phần mềm ăn cắp thì sẽ bị hủy bỏ toàn bộ.




Tại buổi tổng kết 5 năm Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác bảo vệ bản quyền chương trình máy tính, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm BSA, cho biết: "Cách đây 5 năm, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, lên tới 92% nhưng hiện giảm xuống còn 81%...” Nhưng với tỉ lệ này, Việt Nam vẫn được coi là một quốc gia có tỉ lệ vi phạm cao so với trung bình các quốc gia trong khu vực là 60%.

Nhiều người cảm thấy bất bình và xấu hổ trước thông tin này. Bạn đọc Hồng Minh chia sẻ: "Ở nước ngoài nếu ăn cắp phần mềm sẽ bị xử tội rất nặng, tới mức nếu trong bài thuyết trình của sinh viên mà dùng phần mềm ăn cắp thì sẽ bị hủy bỏ toàn bộ. Các giáo viên trước khi cho trình chiếu bài viết sẽ truy mã code để xác định bạn có vi phạm bản quyền hay không. Nhiều sinh viên khi bị phát hiện dùng phần mềm crack sẽ rất xấu hổ và bị bạn bè cười chê".

Nickname Matkhau89 trên một diễn đàn công nghệ bình luận: “Vi phạm bản quyền đã khiến cho các doanh nghiệp nước ta chịu biết bao thiệt thòi khi xuất khẩu. Việc có chính sách về giảm vi phạm bản quyền là đúng trong điều kiện hội nhập quốc tế”.

Bạn đọc Hoàng Chánh phát biểu: "Vi phạm bản quyền ở đây chỉ mới nói tới doanh nghiệp, công ty thôi chứ chưa tính cá nhân đâu, bởi vì tất cả những người biết dùng máy tính mà tôi biết đều sử dụng phần mềm không có bản quyền”.

Không đồng ý với nhận định nhiều công ty ăn cắp bản quyền, thành viên Vãi Mạnh lên tiếng: "Máy của công ty mình đều dùng phần mềm bản quyền xịn nhé. Thanh tra năm nào cũng vào kiểm tra, dùng crack họ phạt chết”.

Nickname Xmen thì cho răng quan trọng nhất vẫn là nằm ở ý thức: “Cái chính là ở ý thức người dùng. Dân nước ngoài chưa chắc đã nhiều tiền hơn mình đâu nhưng cái gì họ cũng trả tiền đàng hoàng, không crack như mình, nhưng công nhận dân mình "giỏi", cái gì cũng có full crack”.

Thành viên ZeroZero nhận định: "Thực chất của vấn đề là quan điểm dùng phần mềm không có bản quyền đã ăn sâu vào trong ý thức của nhiều người dùng máy tính. Trước đây, khi các phần mềm có giá cao, đa phần người dùng khó có thể mua được, ngoài ra thì có tiền chưa chắc mua được, do vậy mới sinh ra crack. Còn trong hiện tại, thu nhập được nâng cao, nếu bạn có đủ khả năng thì việc mua các phần mềm bản quyền là hợp lý. Giống như kiểu bạn đi làm, bạn tạo ra công thức làm bánh mà có thằng khác đến ăn trộm, bạn có tức không?".

"Về vấn đề mã nguồn mở: bạn nào cho rằng có thể sử dụng phần mềm nguồn mở hoặc free thay cho các phần mềm trả phí thì sai lầm hoàn tòan. Bạn toàn lôi Office ra thôi thì giải quyết vấn đề gì? Ví như sản suất công nghiệp, đố bạn nào tìm ra các phần mềm điều khiển trên nền Linux đấy. Do vậy, việc chi tiền ra mua phần mềm khi đủ điều kiện là việc hợp lý".

Thành viên Andor bình luận: "Tôi thấy các bạn khi không dùng phần mềm bản quyền đều có một lý lẽ chung là: "Phần mềm chuyên dụng đắt tiền thế, tiền đâu cho sinh viên (hoặc công chức) như tôi mua". Nhưng có bao giờ các bạn nghĩ lại là: "Phần mềm đắt tiền thế, ai lại viết không cho tôi bao giờ”.

"Sử dụng phần mềm crack là bạn đang lấy đi chất xám của người ta, và đương nhiên bạn phải trả tiền. Sau này với lượng kiến thức bạn thu được từ các phần mềm đó, các bạn ra kiếm được tiền, thì các bạn có kêu ca gì không? Cá nhân tôi cho rằng dùng phần mềm lậu là một hành động ăn cắp. Tất nhiên ở nước ta, khi sự quản lý bản quyền còn chưa chặt, các bạn có thể ăn cắp mà không phải chịu trách nhiệm. Và với những ai không có tiền trả nhưng vẫn muốn sử dụng những thứ đồ đó, ăn cắp cũng là một phương án. Nhưng đừng nghĩ rằng, chưa bị bắt đồng nghĩa với việc ăn cắp là hợp pháp".

Nickname Secretvn ý kiến: "Chuyện vi phạm bản quyền chỉ xoay quanh hai vấn đề chính là ý thức và tiền bạc. Điều đầu tiên mình nói đến là ý thức, nhiều người luôn thích sử dụng chùa các phần mềm bản quyền chỉ vì không thích bỏ tiền. Thử hỏi nếu ai ai cũng xài chùa thì các hãng phát triển phần mềm lấy tiền đâu trả cho nhân viên, thuế, tiền thuê mặt bằng…?".

"Mình thấy rất nhiều phần mềm do người Việt viết có giá cả rất phải chăng, nhưng nhiều người lại thích xài bản crack. Thứ hai là giá cả, bạn có can đảm bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua bản Win 7 pro không? Bản thân tôi sẽ mua bản crack để tiết kiệm cả khối tiền".

"Bạn dám bỏ ra hơn 70USD mua bản Norton Internet Security hay khoản 300.000 đồng cho bản dành riêng cho thị trường Việt Nam? Bản thân tôi sẵn sàng bỏ 300.000 đồng cho bản dành riêng cho người Việt thay vì crack vì muốn họ luôn luôn cải tiến sản phẩm. Tôi hy vọng Microsoft có hướng phát triển dành cho các nước kém phát triển để họ có ý thức sử dụng phần mềm bản quyền như Norton".

Tuy nhiên, những ý kiến này cũng bị không ít người phản bác: "Nếu Việt Nam mà bắt mua bản quyền thì bây giờ chắc cũng như mấy nước châu Phi, chứ đâu ra mà hơn 30 triệu người dùng Internet. Cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu. Ủng hộ crack, ủng hộ hacker mũ đen. Các hãng phần mềm hãy hạ giá ngang với thu nhập của người Việt đi. Không ai muốn thành kẻ trộm, nhưng vì tương lai của con em chúng ta, đành phải trộm thôi” - nickname Super Bike nêu quan điểm.

Nickname Thuan Vu than vãn: “Phần mềm bản quyền còn quá đắt, nếu rẻ tôi sẽ mua”. “Mua bản quyền thì cạp đất mà ăn à, giá thì cao mà thu nhập thì ít nghĩ sao...” một bạn đọc khác phát biểu.

Nickname NHV lại cho rằng: "Tại sao toàn bộ báo cáo, đơn từ cứ bắt buộc phải thiết kế bằng MS Office, tại sao cứ phải đào tạo người ta sử dụng Windows Office trong khi thu nhập thì không đủ để mua?...  Thành viên Để Gió Cuốn Đi lo lắng: “Thế không được dùng Windows crack nữa à. Thế thì máy tính đem bán đồng nát thôi”.

Trước vấn đề này các thành viên Tũn trên cộng đồng Vitalk tâm sự: “Haiz, nghèo thì sinh ra hèn mà. Đói quá không có gì bỏ bụng cùng đường phải đi ăn cắp ăn trộm, giờ đói phần mềm bản quyền mà không có tiền mua nên cũng đành hack với crack chưa biết làm sao. Không bênh chuyện hack phần mềm, nhưng cũng chẳng dám lên án, chính mình cũng đang dùng một đống đồ vi phạm bản quyền đây”.

Trong khi đó, thành viên Pằng Tríu thì cho rằng crack là lỗi thuộc về nhà sản xuất: “Mình thấy chẳng sao cả nếu dùng crack, cái gì có lợi thì cứ làm sao phải xoắn. Muốn không crack thì dân làm phần mềm nghiên cứu để chúng tôi không thể crack, lỗi là do các bạn chứ”.

Nickname Wind_Slash lại phân bì: "Việc vi phạm này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ở nước ngoài crack nhan nhản ra đấy, bác nghĩ mỗi Việt Nam mình crack chắc”.

  • TAG :